(InfoTV) - Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục và đạt 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo nhận định của giới kinh doanh, từ nay đến cuối năm giá tiêu có thể sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo dự báo của Reuters, tổng tiêu thụ hạt tiêu thế giới năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với mức tiêu thụ 320.000 tấn của năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng hạt tiêu thế giới năm nay chỉ đạt 257.000 tấn, ít hơn 33.700 tấn so với năm 2010 (năm 2010 đạt 290.700 tấn). Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 33.000 tấn hạt tiêu.
Tại thị trường Việt Nam, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, thế giới thiếu hạt tiêu, nông dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Nguyên nhân là do sản lượng của Việt Nam không giảm sút, nhất là quy mô trồng có tính công nghiệp cao hơn. Và do năm nay, các nước sản xuất hạt tiêu chủ chốt bị mất mùa, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, nên thế giới chỉ còn trông chờ vào hạt tiêu từ Việt Nam.
Ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho hay, giá hạt tiêu trong nước và thế giới tăng liên tục trong hơn một tháng qua vì nhu cầu tăng mạnh của các nhà nhập khẩu. Cụ thể, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 5/9 đã lên 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 40.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 vừa qua.
Cũng theo ông Tụng, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Châu Âu và Châu Mỹ đang tăng mạnh nên từ nay đến cuối năm giá tiêu Việt Nam còn có khả năng tăng giá nữa. Sự biến động tăng nhanh của thị trường nội địa trong tháng 8 vừa qua là do ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tranh mua giữa những thương lái với một số nông dân ở địa phương trồng tiêu. Do những hộ trồng tiêu có kinh tế phát triển, họ đã bán hết tiêu từ khi giá khoảng 115.000 đồng/kg. Đến khi giá lên 130.000 đồng/kg họ mua vào vì biết thông tin thị trường và dự báo của thế giới, chính việc làm này đã tạo nên “cơn sốt” cho thị trường hạt tiêu.
Ông Đặng Văn Quán (nông dân trồng tiêu tại Đăk Lăk) cho biết, mấy năm qua, gia đình ông có bát ăn bát để nhờ cây tiêu. Hiện nay, với 400 trụ tiêu, mỗi năm, gia đình ông cũng thu nhập được vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, việc giá tiêu liên tục tăng trong thời gian qua là tín hiệu vui để ông xem xét việc chặt bớt rẫy cà phê để trồng tiêu.
Anh Nguyễn Hữu Quang (dân trồng tiêu tại Bình Phước) cho biết, với mỗi 1 ha tiêu, nếu biết cách chăm bón tốt thì có thể cho thu hoạch khoảng 3 tấn/năm, trừ đi các chi phí nhân công và phân bón, lợi nhuận cũng đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Hiện nhà anh chỉ có 2 ha tiêu nhưng mỗi năm cũng thu về khoảng 200 triệu đồng. Không riêng gia đình anh Quang, tại Bình Phước, cũng đã có nhiều hộ làm giàu từ cây hồ tiêu với mức thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm.
Giá tiêu tăng nhanh và đứng ở mức cao như hiện nay đã tạo tâm lý làm giàu từ cây tiêu lan rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên khiến cho diện tích trồng tiêu tại các tỉnh này tăng đột biến. Tại Gia Lai, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện diện tích tiêu toàn tỉnh đã tăng hơn 6.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh chiếm tới gần 4.000 ha, diện tích còn lại nằm rải rác ở các huyện Chư Prông, Đắk Đoa… Còn tại Đăk Lăk, theo quy hoạch của ngành nông nghiệp thì diện tích tiêu chỉ vào khoảng 5.000 ha, nhưng hiện tại diện tích tiêu đã vượt quy hoạch lên tới gần 1.000 ha.